TẦM DOANH NHÂN – TẦM DOANH NGHIỆP
Câu trả lời lớn nhất cho sự lớn mạnh kinh khủng của Amazon nằm ở tầm của người đứng đầu – Jeff Bezos
Sau khi xua tay lời phản bác của nhà báo CNBC rằng nhà đầu tư đâu có quan tâm đến lấy khách hàng làm trung tâm, họ quan tâm đến lợi nhuận, Jeff Bezos nói: “về dài hạn không có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của khách hàng và nhà đầu tư”.
Đây là những khác biệt làm nên sự vĩ đại của Amazon:
LẤY KHÁCH HÀNG LÀM TRUNG TÂM
“Amazon phấn đấu trở thành công ty số một trái đất về lấy khách hàng làm trung tâm”.
Đó là tuyên bố sứ mệnh của Amazon, được ghi hẳn hỏi trong tài liệu thành lập công ty.
Và không như doanh nghiệp khác. Nói là làm, các quyết định và hoạt động hàng ngày của Amazon đã không “rời mắt” khỏi khách hàng. Jeff Bezos đã đổi tên công ty vì khách hàng khó hiểu và khó phát âm; phòng họp của Amazon luôn có một chiếc để trống và đó là “chiếc ghế của khách hàng” để nghe khách hàng, nghĩ về họ và tránh sai lầm với mỗi quyết định.
Jeff Bezos cũng bị người Amazon chỉ trích khi cho khách hàng “reviews” công khai, vì sẽ có thông tin tiêu cực. Nhưng ông vẫn làm, Jeff cho rằng khách hàng thích đọc chia sẻ của khách hàng khác và đó là nguồn thông tin tin cậy nhất của họ. Giúp khách hàng mua hàng thay vì cố bán hàng.
SÁNG TẠO
Amazon được coi là một trong các công ty sáng tạo nhất; nhưng có thể bạn chưa biết, ngay cả triết lý sáng tạo của Amazon cũng là tập trung vào những điều khách hàng mong muốn để sáng tạo.
Vì vậy, họ tập trung vào tăng nhiều lựa chọn, sự tiện lợi, giá rẻ… vị CEO này cũng thường bác bỏ các sáng kiến mang tính tập trung vào đối thủ. Muốn dẫn đầu đừng tập trung vào đối thủ, tập trung vào khách hàng, tập trung vào đối thủ bạn sẽ đi sau họ.
Jeff Bezos nói “Khách hàng sẽ trung thành với chúng tôi cho tới giây phút có một ai đó cung cấp cho họ dịch vụ tốt hơn. Tôi khoái điều này, nó là động lực sáng tạo vô cùng lớn cho chúng tôi”.
NHÂN SỰ
Amazon là tìm những người có ham muốn đi đầu trong việc tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng và gắn kết họ bằng việc cho họ làm chủ bằng chính sách cổ phiếu, “…những người mà ngủ dậy vào phòng tắm đã nghĩ ngay đến khách hàng,… còn người có tư duy tập trung vào đối thủ, khi làm ở Amazon thường bị lạc lõng, vì họ cảm thấy Amazon có phần “tối dạ”, Jeff Bezos mô tả 😂
NGHĨ DÀI HẠN
Làm việc với Jeff Bezos bạn phải nghĩ dài hạn và có thể chịu thiệt trong ngắn hạn, thời gian đánh giá sáng tạo mà Jeff Bezos đưa ra là 5-7 năm. Các ví dụ trên đã thể hiện rõ điều này. Và còn nhiều ví dụ nữa như bán kindle với giá hòa vốn để “kiếm tiền khi khách hàng dùng chứ không phải khi bán”; dành hầu hết tiền bạc, thời gian và nỗ lực vào việc tạo ra dịch vụ vượt trội để mọi người nói với nhau về điều đó, dành rất ít tiền cho việc làm quảng cáo. Amazon cũng không đi theo trào lưu hay xu hướng nóng nhất thời.
CÁCH LÀM PHỔ BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP CHÚNG TA?
Ngược lại với tinh thần trên, chúng ta có thể thấy có nhiều doanh nghiệp đang quá tập trung vào mục tiêu ngắn hạn là những “con số” thay vì con người là nhân viên và khách hàng. Dẫn đến cố gắng tận thu, giảm chi bằng kích thích khách hàng mua, khai thác và thiếu trân trọng người lao động; luôn muốn sáng tạo theo cách phải “có kết quả” nhanh.
Trong nỗ lực đó, nhiều doanh nghiệp làm tổn hại các mối quan hệ với khách hàng, người lao động và đối tác. Trong khi, khách hàng và người lao động là hai tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp. Vì vậy khi mối quan hệ với họ không tốt, khó khăn và thách thức không những không giảm mà còn tăng lên, kinh doanh gặp thách thức và các CEO ngày càng “rời ghế” nhanh hơn.
Có phải chúng ta đang nhầm lẫn đâu mới là mục tiêu thực sự của một doanh nghiệp? Mục tiêu thực sự của một doanh nghiệp là tạo ra giá trị cho khách hàng, người lao động và xã hội; còn doanh thu, lợi nhuận hay giá trị doanh nghiệp chỉ là kết quả. Phần lớn chúng ta đều nhầm lẫn kết quả là mục đích. Có vẻ như chúng ta chỉ đúng một lần duy nhất đó là khi đi xây dựng sứ mệnh cho doanh nghiệp mình. Nhưng sau đó thì cất “sứ mệnh” đi và chỉ biết nhìn vào con số.
Chúng ta không thể làm ra “con số” bằng cách cứ tập trung vào nó, chúng ta phải tập trung vào những điều tạo ra nó, đó là khách hàng và người lao động. Khi quá sát sao với những điều trước mắt như các “con số” và đối thủ, chúng ta khó mà có một cái đầu sáng suốt, vì việc của chúng ta là đi sáng tạo cho khách hàng và người lao động chúng ta lại đi sáng tạo dựa trên những con số vô hồn.
Phần lớn doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất của thời đại mạng xã hội này … là dựa trên sự trung thành, yêu mến của khách hàng và sự gắn kết, tự hào của người lao động. Điều đó thường đến từ văn hoá lấy con người làm trung tâm chứ ít khi đến từ các chiến thuật mỗi lúc một chiêu hay những hành động đánh quả.
Nhà triết học Aristotle, một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại (hai người còn lại là Socrates và Plato) nói: “Sự xuất sắc không phải là một hành động, mà nó là một thói quen!”
Nguồn: Nguyễn Dương, CCXP
Sáng lập Cempartner – Tư vấn và đào tạo trải nghiệm khách hàng
#HOSODOANHNHAN