Theo báo cáo mới nhất của JLL, ở các nước Châu Á Thái Bình Dương ngành kho vận ngày càng “tăng nhiệt” do các công ty bán lẻ muốn đảm bảo các nền tảng ứng dụng của họ được tối đa số lượng đơn hàng và đa dang khách hàng. Do đó, kho chứa hàng của nhà bán lẻ cũng đang bắt nhịp với làn sóng thương mại, hội nhập.
Báo cáo của JJL chỉ ra, một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ trực tuyến hiện nay là xử lý lượng hàng hóa khổng lồ trong giỏ hàng. Người tiêu dùng ngày càng mua hàng hóa qua các chuỗi bán lẻ thường xuyên hơn, vì thế kho chứa hàng của nhà bán lẻ cần có vị trí chiến lược để quản lý lượng hàng tồn.
Theo Ngân hàng thế giới, những diễn biến năng động của ngành thương mại đã thúc đẩy nhiều thị trường trong khu vực lọt vào bảng xếp hạng các nước có lượng đầu tư bất động sản công nghiệp mạnh nhất thế giới. Còn theo nghiên cứu của eMarketer, mua hàng qua thẻ đang trên đà tăng trưởng. Thương mại điện tử đã chiếm 15% tổng doanh số bán lẻ tại Châu Á Thái Bình Dương, với 1,4 nghìn tỷ USD. Và con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên đến 3 nghìn tỷ USD vào năm 2021.
Cuộc chiến thương trường ngày càng nóng hơn. Đầu năm nay, Amazon đã tung ra dịch vụ giao hàng trong ngày tại Singapore, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của mình vào thị trường Đông Nam Á. Trong khi đó, Alibaba của Trung Quốc cũng đã thâu tóm cổ phần tại Lazada Việt Nam, để mở rộng dịch vụ cho 23 triệu người trên khắp Đông Nam Á.
Bất động sản công nghiệp nhanh chóng phát triển theo làn sóng thương mại điện tử
Việt Nam là thị trường mới tiềm năng đối với thương mại điện tử. Mặc dù lượng giao dịch trực tuyến chỉ đạt 4% trên tổng doanh thu bán lẻ, tuy nhiên, thị trường này đang phát triển nhanh chóng. Theo Euromonitor, doanh thu của thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam dự kiến tăng từ 1 tỷ USD năm 2016 lên 2,3 tỷ USD vào năm 2020.
Đầu năm 2018, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất của Việt Nam, Tiki, được gã khổng lồ Internet Trung Quốc JD.com rót vốn đầu tư 44 triệu USD ở series C. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử khiến nhà đầu tư phải tham gia vào cuộc đua bất động sản tại Việt Nam. Theo ghi nhận gần đây, tập đoàn STIC của Hàn Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kho bãi và công nghệ để phát triển các danh mục đầu tư của họ. Gần đây nhất, Warburg Pincus bắt tay Becamex IDC lập liên doanh bất động sản BW để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp.
Chính những điều này khiến hệ thống và quy trình trong các kho hàng Châu Á Thái Bình Dương đang nhanh chóng phát triển theo. Cả hai loại hình nhà kho mới và kho cải tạo đều được trang bị công nghệ tiên tiến, nhiều kho hàng hiện nay sử dụng robot và số lượng sản phẩm ngày càng tăng đến từ các nhà cung cấp khác nhau, nhà kho cũng phải kết nối với phần mềm quản lý.
Theo số liệu của JLL, ở Singapore, các công ty Logistics trung gian như LF Logistics và DHL đang mở các không gian công nghệ cao giúp nhà bán lẻ đáp ứng lượng hàng hóa ngày càng tăng của các đơn đặt hàng trực tuyến. Điển hình là DHL xây dựng trung tâm khu vực tự động đặc biệt trị giá 160 triệu USD bao gồm hệ thống tự động hóa chuyên biệt với các xe robot vận chuyển và lưu trữ các sản phẩm từ 72.000 địa điểm, trên 26 cấp độ. Các nhà kho hàng tại các vùng ngoại ô của Sydney cũng đang được cải tiến lại để có thể bắt kịp thị trường. Như Synnex sử dụng công nghệ hoàn toàn tự động tại nhà kho phía tây Sydney để di chuyển, bao bì, vận chuyển và các hoạt động back-end để đẩy nhanh quá trình bán hàng cho khách hàng của họ…
Theo Pelham Higgins, Giám đốc khu công nghiệp Nhật Bản & Hàn Quốc của JLL, trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy ít sự hiện diện của con người hơn trong khu vực nhà kho, vì robot và máy bay không người lái áp dụng ngày càng nhiều giúp quá trình vận hành được nhanh hơn.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế