fbpx

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 “quả bom hẹn giờ” này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị “nổ” lúc nào không hay

Làm việc nơi công sở, quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp, có khả năng làm việc nhóm, nhanh nhạy trước cái mới và linh hoạt trong ứng xử. Bất kể là người đã đi làm lâu năm hay người mới đi làm, đều phải cẩn thận ghi nhớ 10 “quả bom hẹn giờ” dưới đây, đừng để bị “nổ” rồi mới hối hận.

1. Gặp khó khăn không biết mở miệng nhờ giúp đỡ

Từ nhỏ, thầy cô luôn dạy chúng ta rằng, không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Vậy mà giờ vẫn có không ít các bạn mới đi làm, không hiểu không biết cũng chẳng chịu nói, cứ im ỉm tự đoán tự làm.

Bình thường người ta đuối nước còn biết vùng vẫy cầu cứu, nhưng nhiều người “đuối nước” nơi công sở lại lựa chọn im lặng, tự đày đọa mình. Cứ như thế, họ càng trôi càng xa, đợi đến khi sức cùng lực kiệt, ý chí tiêu tan, họ cũng chẳng còn cách nào trụ lại nơi đó nữa.

2. Không suy nghĩ kĩ càng trước khi hỏi

Không biết thì nên hỏi, nhưng cũng không thể cứ trực tiếp hỏi mà không hề suy nghĩ qua.

Thường trước khi đặt ra câu hỏi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đó, và có một số cách nhìn nhận riêng. Vì vậy khi hỏi, tôi hy vọng thông qua quá trình thảo luận, mình có thể đưa ra một đáp án tốt hơn, hoặc thử xem hướng đi của mình có thể thuyết phục được người khác hay không.

Nhưng khi tiếp nhận câu hỏi từ những người khác, tôi dần phát hiện ra, rằng khi đặt câu hỏi, có rất ít người đưa ra được ý kiến cá nhân cho thấy họ từng cố lý giải nó. Đa số bọn họ đều chỉ “ném” vấn đề ra, rồi chờ đợi câu trả lời từ tôi. Sau đó họ sẽ phản ứng kiểu: “Ok, em làm theo lời anh đấy nhé.”

Như vậy, nếu có vấn đề gì xảy ra thì trách nhiệm biến thành của tôi. Điều này khiến tôi không được thoải mái cho lắm. Vì thế, khi hỏi một vấn đề gì đó, đừng mang theo tâm thái “đùn việc” hoặc chối bỏ trách nhiệm.

Ít nhất phải đưa ra được cách nhìn nhận vấn đề của chính mình, rồi thảo luận cùng người ta, như thế vấn đề mới nhanh chóng được giải quyết. Dù sao vấn đề cũng là của bạn, đừng thản nhiên đẩy qua cho người khác.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 1.

3. Thói quen kéo dài ‘deadline’

Khi đặt ‘deadline’, nên cho nhau thời gian hợp lý để có thể co dãn. Cho dù lượng công việc nhiều hay ít, tôi đều chia giai đoạn với đối phương trước, phân tích kĩ càng, sau đó mới đặt deadline. Nhưng vẫn có nhiều người nói nộp muộn liền nộp muộn mà không có bất kì một biện pháp “vớt vát” nào.

Hoàn thành công việc đúng thời hạn là nguyên tắc cơ bản của một người đi làm. Xin hãy có trách nhiệm với đồng nghiệp, công ty và chính bản thân bạn.

4. Chờ đợi bị động, tốc độ làm việc chậm chạp

Đúng ra, chúng ta nên làm việc theo trình tự thế này: cố gắng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, xong việc rồi tìm một đồng nghiệp liên quan để thảo luận, góp ý, bàn giao. Nhưng một số người lại không hiểu được điều này.

Họ làm xong việc thì bỏ đấy, chẳng buồn thảo luận hay báo cáo gì. Mỗi người đều phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong cả tiến trình, nắm được tiến độ làm việc của cả nhóm, chủ động truyền và nhận “bóng”. Không nên kéo dài thời gian, giúp cho từng giai đoạn của kế hoạch có thể hoàn thành thuận lợi theo đúng dự tính. Vậy mới có thể hoàn thành công việc theo như mục tiêu đã đề ra.

5. Không biết làm cũng không dám nói, chỉ vùi đầu vào làm

Không nên cứ nhận việc xong là bắt tay vào làm luôn, mà trước tiên phải suy nghĩ xem nên làm thế nào, sắp xếp lên kế hoạch hợp lý rồi hãy bắt đầu. Nếu vùi đầu đi làm, mất cả đống thời gian mới phát hiện ra đã làm sai, khiến chính mình không còn thời gian để thay đổi, đồng nghiệp không còn thời gian để sửa chữa, sẽ thành ra gây tổn thất cho công ty.

Không làm được thì nói không làm được, khi thời gian vẫn còn, mọi người có thể cùng nhau bàn bạc nghĩ cách, hoặc chia lại công việc chứ cứ ép bản thân mình thì vừa hại mình vừa hại cả công ty.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 2.

6. Bệnh nặng bệnh nhẹ không bệnh, đủ loại lý do xin nghỉ

Tôi từng nghe đến một nguyên tắc khiến tôi vô cùng kinh ngạc: “Sinh nhật có thể xin nghỉ.”

Đi làm bao nhiêu năm, chỉ khi bệnh không chịu được hoặc có việc quan trọng lắm tôi mới xin nghỉ. Bởi vì xin nghỉ chỉ khiến công việc đáng nhẽ là của tôi bị đẩy sang cho người khác, hoặc chất lượng công việc đi xuống mà thôi.

Nhiều năm nay, mỗi lần đồng nghiệp xin nghỉ, tôi thật sự muốn hỏi: “Sức khỏe của cậu thật sự kém hơn tôi sao?”

Bạn nghỉ rồi, cũng tức là phần việc của bạn hoặc sẽ do người khác gánh, hoặc sẽ bị dồn lại chờ bạn đi làm. Cho dù thế nào đi nữa, điều đó cũng sẽ gây phiền hà cho một vài người, có khi là rất nhiều người, thậm chí là tạo thành tổn thất cho công ty.

7. Chưa làm xong việc đã ung dung bỏ về

Trong công ty, mỗi một hạng mục công việc đều được phân chia và sắp xếp chặt chẽ, yêu cầu tiến độ nghiêm ngặt. Cho nên chỉ cần có ai đó xin nghỉ hoặc rời bỏ vị trí mà không nói rõ ràng, thì công việc sẽ bị tồn đọng.

Khi có ai khác phải đứng ra thay bạn đảm nhận phần việc đó, rất có khả năng họ sẽ chỉ làm qua quýt cho xong, vì họ cũng bận chẳng kém, và đấy dù sao cũng chẳng phải việc của họ. Hay thậm chí người thay thế có lòng muốn làm tốt, thì cũng chưa chắc họ đã quen việc được như bạn. Cuối cùng công việc sẽ không được hoàn thành với chất lượng tốt nhất.

Con người ta làm gì cũng phải làm cho tới nơi tới chốn. Việc đã giao cho bạn thì bạn phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với nó từ đầu đến cuối, chứ không phải bắt đầu thì hồ hởi, làm được lưng chừng lại tùy hứng bỏ đi.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 3.

8. Mượn công việc để đi giải quyết việc riêng

Trong mấy năm làm việc của tôi, có ít nhất ba lần nhận được thông báo từ bên thứ ba rằng đồng nghiệp của mình không đến thăm hỏi khách hàng theo kế hoạch, mà lại đi xem phim, đi tụ họp bạn bè…

Thế mà khi tôi hỏi về phản ứng của khách hàng, anh ta lại có thể nói vanh vách như thật. Nếu thật sự cần thời gian để giải quyết việc riêng, cứ nói rõ, việc gì phải giấu giấu diếm diếm như thế?

9. Làm việc qua loa, không vận dụng kĩ năng chuyên nghiệp

Khi làm xong một việc gì đó, tôi thường kiểm tra lại rất nhiều lần, viết một bài luận cũng phải xem lại vài lượt mới yên tâm. Làm như thế, tôi sẽ có thể tìm ra những điểm chưa hợp lý và tìm ra cách sửa chúng để sản phẩm của mình hoàn hảo hơn.

Nhưng mấy năm gần đây khi làm việc cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi thường xuyên bắt gặp tình trạng báo cáo sơ sài, qua loa. Tôi hỏi rốt cuộc các bạn có vận dụng kiến thức đã học để làm việc không, thì nhận được những câu trả lời rất mơ hồ.

Bạn học kiến thức chuyên ngành để làm gì nếu không vận dụng nó vào công việc. Làm việc thì cần nghiêm túc, không thể dùng trực giác hay bản năng để giải quyết cho xong được.

10. Làm việc không rõ ràng, gặp chuyện liền lập tức thoái thác trách nhiệm

Có một số người, rõ ràng là chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, lại cứ đổ cho công ty không tạo điều kiện. Tôi rất muốn hỏi mấy người đó, có thật là công ty không tạo điều kiện cho họ không, hay là chính họ làm việc còn chưa đâu ra đâu cả?

Chẳng công ty nào không muốn tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng họ luôn mong rằng, cùng với những điều kiện thuận lợi họ cung cấp, nhân viên có thể cho họ thấy sự nỗ lực và hiệu quả công việc. Khi làm việc, hãy làm cho ra hồn trước, rồi hãy bàn đến chuyện nên có cái này cái kia thì sẽ tốt hơn.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 4.

Công sở chưa bao giờ là một môi trường dễ tồn tại, thế nhưng thật ra nó cũng chẳng khó chịu và mệt mỏi như bạn nghĩ. Chỉ cần có ý thức làm tốt việc của mình, cộng thêm một chút khéo léo trong ứng xử, sẽ chẳng văn phòng nào khó dễ bạn mãi đâu.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tổng Đài